Phim đang quay

PHIM "ANH HÙNG NGUYỄN TRUNG TRỰC"
Ngày 22.9 tới (25.8 âm lịch) là ngày giỗ lần thứ 138 người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Trước đó - từ ngày 15.9, tại Kiên Giang, đoàn làm phim “Anh hùng Nguyễn Trung Trực” (20 tập, Hãng phim Cửu Long thực hiện theo đơn đặt hàng của HTV, khởi quay 20.4.2011, dự kiến chiếu vào tháng 1.2012) sẽ thực hiện cảnh quay cuối cùng. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với đạo diễn Phan Hoàng - GĐ Hãng phim Cửu Long. Làm phim về một nhân vật lịch sử, nhiều nhà làm phim VN có nói, họ xây dựng hình tượng nhân vật chủ yếu dựa trên sự cảm nhận của họ về nhân vật. Với ông thì sao? - Một điều vừa khó, vừa thách thức thú vị khi làm phim lịch sử là chuyện đã rõ, kết phim đã và cũng có thể thấy trước... Vậy, vấn đề là cách kể. Tôi làm phim với 70% từ cảm nhận, suy nghĩ của tôi, 30% từ sự thật lịch sử. Quyết định làm phim của tôi xuất phát từ việc mấy năm trước, tôi tình cờ xuống Rạch Giá (Kiên Giang) đúng dịp giỗ cụ Nguyễn Trung Trực. Tại đền thờ cụ, tôi đã chứng kiến sự ngưỡng mộ, đức tin của người dân Kiên Giang, vùng ĐBSCL, của người dân nhiều tỉnh, thành dành cho người anh hùng - một đức tin không bợn chút mê tín. Từ đó, tôi để tâm tìm hiểu. Nói chung, mất khoảng ba năm cho tới khi quay cảnh đầu tiên. Chúng tôi không có cố vấn lịch sử, nội dung kịch bản, nên có nhờ lãnh đạo tỉnh Kiên Giang thẩm định, kiểm tra độ chính xác của các sự kiện lịch sử.

Một cảnh trong phim “Anh hùng Nguyễn Trung Trực”.Người mẫu - diễn viên Lý Anh Tuấn vốn quen mắt khán giả với những vai phản diện trong nhiều phim đề tài thời thượng. Liệu anh ấy có đảm đương nổi vai diễn? - Khi mời Anh Tuấn đến nhận vai, qua trò chuyện, tôi nhìn thấy những tố chất “chính diện” ở anh. Tôi không lầm khi mời anh tham gia vào phim. Lý Anh Tuấn vào vai có thần sắc của một người đàn ông mạnh mẽ, thể hiện tố chất của một người anh hùng mưu trí, tinh thông võ nghệ của quê hương Bình Định, hiếu trung với cha mẹ, nhân dân. Nhận vai, anh chịu khó luyện võ, cam kết trong thời gian đóng phim không tham gia phim khác... Tôi đánh giá cao tư cách hành nghề của Lý Anh Tuấn. Hiện nay phim đang ở đoạn nào? Điều gì phức tạp nhất ông phải đối mặt khi làm phim? - Chúng tôi đã thực hiện được 19,5 tập, nửa tập còn lại dành cho cảnh đốt tàu “Hy Vọng”. Là một cảnh lớn, quan trọng nhất của phim, cảnh này sẽ được thực hiện từ 7-10 ngày. Tái hiện lại con tàu là việc cực khó, tốn 1,5 tỉ đồng trong số kinh phí làm phim. Trong vòng 9 tháng, chúng tôi đã nhờ Bảo tàng Paris tìm tư liệu, thuê chuyên gia Pháp, phục chế tàu thành công khoảng 90%. Về phần phục trang, các loại vũ khí chúng tôi tìm hiểu từ nhiều nguồn. Làm phim đề tài lịch sử có nhiều cảnh đánh nhau... ngoài khó khăn về bối cảnh, chúng tôi còn ”vấp” phải vấn đề: Diễn viên - nhất là các diễn viên trẻ ngoài việc kém võ thuật, còn hổng kiến thức lịch sử, do đó họ nhập vai rất khó... Dù trước khi quay, hàng tháng trời, chúng tôi có mời cascadeur dạy võ, rồi bổ túc kiến thức lịch sử, nhưng đạo diễn vẫn mất nhiều công sức chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên. Chúng tôi làm phim với tâm niệm: Tìm về quá khứ, hướng đến tương lai, nên khó thế nào cũng cố làm cho đàng hoàng. - Xin cảm ơn ông!