Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

"BỘI THỰC" KÊNH TRUYỀN HÌNH TẠI VIỆT NAM ?

Hiện nay, với từ 50 - 100 ngàn đồng/tháng (cước trả tiền truyền hình cáp hay kỹ thuật số) chỉ cần ngồi ở nhà, mọi thành viên trong gia đình có thể xem được các chương trình giải trí riêng biệt theo sở thích: từ phim, ca nhạc, tạp kỹ, gameshow, Hoa hậu, thời trang, du lịch và khám phá, thể thao, ẩm thực, thậm chí mua sắm hay hát karaoke, khám bệnh qua truyền hình... Để có thể mang được “cả thế giới đến gia đình bạn”, giữa các nhà đài đã có những cuộc đua khá quyết liệt.  
Tăng số lượng kênh truyền hình...

   Ngoài các kênh truyền hình truyền thống và miễn phí như: HTV7, HTV9, VTV1, VTV3, VTV9 thì hiện nay với sự “tiếp sức” của hệ thống truyền hình cáp (VCTV, SCTV - thuộc VTV, HTVC - thuộc HTV) và truyền hình kỹ thuật số (VTC), ở Việt Nam đã có hơn một trăm kênh phát sóng chương trình trong nước và quốc tế với các nội dung khác nhau, trong đó đa số thiên về giải trí phục vụ cho nhiều lứa tuổi, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu đa dạng của khán giả.

   Chỉ tính riêng trên các mạng truyền hình lớn, xem phải trả tiền như VCTV, SCTV, HTVC đã có hơn 70 kênh nước ngoài, trong đó có 23 kênh tổng hợp, 7 kênh tin tức, 9 kênh phim truyện, 17 kênh thể thao, 5 kênh khoa học, 6 kênh thiếu nhi, 6 kênh ca nhạc - giải trí tổng hợp. Còn số kênh có chương trình sản xuất  trong nước là hơn 80 kênh, trong đó VTV có 29 kênh, SCTV có 14 kênh, VCTV 15 kênh, HTVC 16 kênh, VTC 14 kênh...
 Có thể chia thành các kênh chuyên biệt theo lứa tuổi: trẻ em (các kênh hoạt hình như: Play House Disney Channel, Cartoon Network, Animax, BiBi,  Sao TV...); tuổi teen (các kênh: Yeah1, Yan TV, VTV6) ; phụ nữ (gồm kênh HTVC Phụ nữ, HTVC Gia đình, TV shopping-mua sắm, Nhịp cầu mua sắm, Home Shopping Network)... Hoặc chia theo chuyên mục và nhu cầu, sở thích: thể thao (gồm các kênh: ESPN, Star Sport, Bóng đá TV, Goal TV1, Goal TV2 ); phim điện ảnh thế giới (các kênh: HBO, Cinemax, AXN, Star Movies, TCM, MGM ); phim truyền hình châu Á (các kênh: Astro Cảm xúc, HTVC phim, HTV3...); ca nhạc (các kênh: HTVC ca nhạc, MTV (nhạc quốc tế), Chanel V,  M4Me - âm nhạc tương tác) ; khám phá thế giới về thiên nhiên và động vật, du lịch (các kênh: Discovery, Animal Planet, Discovery Travel and Living, National Geographic, Adventure 1, HTVC Du lịch và cuộc sống); thời trang (các kênh: Fashion TV, Style TV); sức khỏe và đời sống (các kênh: O2 TV, VCTV12 - Sức khỏe, VTC14 - môi trường và thiên tai)... Ngoài ra có những kênh giải trí tổng hợp với nhiều chuyên mục từ khoa học giáo dục, thể thao văn hóa, văn nghệ giải trí, chuyên đề, phim truyện... như: VTV1, VTV3, HTV7, HTV9, Let’s Việt, Today TV (VTC7), Star World, Reality TV (Việt Nam), VBC... Năm 2009, có các kênh mới ra đời như: FBNC, Reality TV, VBC, VTV14 - môi trường và thiên tai (phát sóng chính thức từ 1.1.2010). 
Sang năm 2010, các đài VTV, HTV và truyền hình kỹ thuật số VTC còn mở thêm nhiều kênh mới. Không chỉ phủ sóng ở các thành phố lớn bằng hệ thống kỹ thuật số, mà nhờ công nghệ HDTV (qua vệ tinh) khán giả ở các vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo cũng sẽ được xem nhiều hơn số lượng kênh truyền hình. Số lượng kênh tăng, các nhà đài cũng liên tục đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn để tăng số lượng thuê bao... Trên cùng một địa bàn dân cư ở Hà Nội hay TP.HCM hiện nay có đến vài ba nhà cung cấp dịch vụ, dẫn đến sự cạnh tranh về số lượng thuê bao giữa các đài. 

Chạy đua của các nhà đài

   Nhiều kênh nên khán giả thoải mái lựa chọn và họ sẽ so sánh để quyết định ủng hộ chương trình nào phù hợp nhu cầu giải trí của mình. Hơn ai hết các nhà đài đều hiểu rằng, để có được rating khán giả bền vững và ngày càng đông thì phải có được những chương trình riêng, đặc sắc và hấp dẫn. Điều này đẩy các đài vào cuộc đua  về số lượng và chất lượng chương trình phát sóng....

   Để giữ chân khán giả, hiện nay mỗi kênh đều cố gắng tạo được nét riêng biệt. Ví dụ: Kênh VTV1, VTV3 và HTV9, HTV7 (dù miễn phí) vẫn tăng cường Phim Việt giờ vàng với những bộ phim mới chiếu lần đầu; phim truyền hình Hàn Quốc và hoạt hình Nhật Bản được lồng tiếng Việt là của riêng kênh HTV3; kênh Bibi giới thiệu khá nhiều phim hoạt hình của Nhật Bản, Trung Quốc được thuyết minh tiếng Việt; kênh Astro Cảm xúc chiếu phim điện ảnh và truyền hình của các nước, như Malaysia, Indonesia...; kênh VBC chiếu phim truyền hình dài tập của các nước Nam Mỹ; kênh HBO với những bộ phim truyện hàng đầu của Mỹ có phụ đề tiếng Việt... Let’s Việt là kênh thuần Việt đầu tiên với nhiều chương trình giải trí ấn tượng như: Chuyện phái đẹp, Bệ phóng tài năng, Nhịp điệu trẻ, Chuyện lý chuyện tình, CLB Diễn viên thử nghiệm...có dàn MC là diễn viên nổi tiếng như Chi Bảo, Hồng Ánh, Thiệu Ánh Dương, Trịnh Kim Chi, Thanh Vân, Việt Anh, Hải Yến, Bình Minh... VTV6 dành cho thanh thiếu niên với các chuyên mục Nhà tròn, Nối mạng ý tưởng, Sinh ra từ làng, Nút Rec của tôi, Vũ điệu xanh,  Ngày mới, Hành trình tuổi trẻ làm theo lời Bác, Ngôi sao ước mơ, Cầu vồng, Câu lạc bộ 2M... rất phong phú và hấp dẫn...Kênh FBNC dành cho giới kinh doanh rất ấn tượng về hình thức, nội dung phong phú, hấp dẫn và cách dẫn của MC rất chuyên nghiệp... Vừa duy trì nét riêng, các kênh phải liên tục đổi mới theo hướng cập nhật - thực tế - tương tác cao để cạnh tranh khán giả. Ví dụ như năm 2009 các kênh: Yeah1 TV, SaoTV, VTV6... đều có những chuyên mục mới...

  Sự tồn tại cùng lúc nhiều kênh có cùng phân khúc khán giả dẫn đến tình trạng nội dung na ná nhau, bắt chước nhau và thiếu hụt chương trình phát sóng. Theo dõi kỹ sẽ thấy nhiều phim truyền hình dài tập (Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc), video clip ca nhạc (trong nước và quốc tế), gameshow hay talkshow... được phát sóng vòng vòng trên nhiều kênh, từ VTV hay HTV đến HTVC, VCTV đến đài tỉnh. Phụ thuộc quá nhiều vào các chương trình mua bản quyền nước ngoài, khiến một số kênh bị đuối... sau một thời gian phát sóng. Một số kênh thì gây cảm giác lắp chương trình vào cho đủ giờ phát sóng, mà không có sự đầu tư xây dựng mang nét  riêng... Các trò chơi trực tuyến thông qua nhắn tin phát triển ồ ạt trên nhiều kênh, lấn lướt nội dung. Ngay cả kênh thiếu nhi cũng nhan nhản nào là Đấu trường IQ, Limo, Đấu giá ngược, Chị Thỏ Ngọc, Alibaba. Các kênh mua sắm đã trở thành kênh quảng cáo, khi có một số ít sản phẩm cứ lặp đi lặp lại trong nhiều ngày. Để thu hút tài trợ, quảng cáo là chính nên một số kênh dành cho tuổi teen rất ít tính giáo dục hay định hướng nhân cách... chủ yếu khai thác tin gây sốc trong giới giải trí, hay địa chỉ mua sắm. Nội dung chương trình thuần Việt của một số kênh còn sơ sài, kết cấu nhàm chán, đơn điệu, MC nói vấp nhiều...

Khán giả chưa là thượng đế

   Với cả trăm kênh như hiện nay, các đài truyền hình đã thực hiện được slogan “mang cả thế giới đến ngôi nhà của bạn”. Có nhiều kênh nên khán giả được quyền lựa chọn, thưởng thức nhiều chương trình giải trí (nhiều nhất là phim, thể thao, ca nhạc) hay,chọn lọc, mới lạ và hấp dẫn của trong và ngoài nước. Sự xuất hiện của các kênh chuyên biệt đáp ứng nhu cầu giải trí theo thời gian biểu phù hợp của khán giả trong guồng quay của cuộc sống bận rộn hiện nay.   

Số lượng kênh truyền hình tăng nhưng lại tỷ lệ nghịch với những ca thán của khán giả, nhất là những người thuê bao truyền hình trả tiền hàng tháng. Khán giả liên tục ca thán về chuyện chương trình lặp lại, nội dung nhạt nhẽo, quảng cáo lấn lướt và bấm remote... mỏi tay mà khó chọn được kênh hay chương trình yêu thích. Các nhà cung cấp dịch vụ đua nhau khuyến mãi để tăng số lượng thuê bao song chất lượng đường truyền thì kém: mất sóng, ngưng sóng, hình ảnh xấu và mờ nhòe. Tháng 9.2009 HTVC tăng phí thuê bao gói thấp nhất lên 66.000 đồng/thuê bao/tháng; SCTV tăng phí nhóm A trên địa bàn TP.HCM từ 44.000 đồng/thuê bao/tháng lên mức tương đương. Phí tăng để nhà Đài bảo trì và nâng cấp mạng... nhưng chất lượng đường truyền của SCTV và HTVC vẫn không được cải thiện nhiều.  

Hậu trường ngành truyền hình cho thấy: Đội ngũ sản xuất chương trình hiện nay vừa thiếu, vừa ít kinh nghiệm. Đào tạo nhân lực không được chuẩn bị kỹ trước khi “nở rộ” kênh nên đã diễn ra tình trạng giành giật nhân sự giữa các nhà đài, các kênh với nhau. Dù các đài đẩy mạnh xã hội hóa liên kết sản xuất với tư nhân, song phần đông là công ty quảng cáo và truyền thông, nên chỉ mạnh về tài trợ, chi phí sản xuất hay mua bản quyền, format chương trình, còn nguồn nhân lực vẫn chủ yếu dựa vào đội ngũ có sẵn của các đài và tuyển từ bên ngoài theo kiểu vừa làm vừa đào tạo. Bởi vậy, chất lượng của nhiều chương trình truyền hình chưa đáng “đồng tiền bát gạo” của khán giả bỏ ra.  

   Dù sao, việc “nở rộ” kênh với cuộc đua của các nhà đài trong cạnh tranh khán giả sẽ đem đến sự đổi mới về số và chất lượng của chương trình truyền hình trong tương lai. Và cuộc đua này sẽ chọn lọc và đào thải bớt các kênh không thu hút được số đông khán giả.
T.s Lê Thanh Minh 
R&D Manager - Cửu Long Phim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét