Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

TÀI TRỢ PHIM - CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA NHÀ SẢN XUẤT

“Cũ người mới ta”... hình thức quáng cáo sản phẩm trong phim (Product Placement – hay còn gọi một cách tế nhị là tài trợ) đang được ưa chuộng ở Việt Nam...
GÓP PHẦN KÍCH CẦU SẢN XUẤT PHIM ...
   Hình thức tài trợ (Product Placement) là khi nhãn hàng chi trả một số tiền cho nhà sản xuất phim để quảng bá, bằng cách lồng ghép các sản phẩm vào nội dung phim. Nhà sản xuất phim và nhãn hàng đó đều có lợi: nhà sản xuất phim có thêm kinh phí để sản xuất phim, còn sản phẩm được người xem truyền hình biết đến nhiều hơn. Các nhà sản xuất đã nhìn thấy tiềm năng vô cùng lớn của lĩnh vực này, nhất là khi khán giả đã nhàm chán với kiểu quảng cáo bằng các spot TVC trên màn ảnh nhỏ.
  Bấy lâu nay phim Việt Nam luôn ở trong tình trạng... ít tiền, thường xuyên phải “liệu cơm gắp mắm” để sản xuất. Kinh phí đặt hàng của các đài truyền hình hiện nay tính trung bình 200 triệu đồng/tập (được đổi thành 4-6 spot quảng cáo TVC 30 giây trong giờ vàng). Chuyện đổi spot quảng cáo, hay đấu thầu spot quảng cáo đang đẩy các nhà sản xuất vào thế không thể nói “không” với tài trợ hay quảng cáo trên phim. Bộ phim lịch sử cổ trang Huyền sử thiên đô đã tổ chức tới 4 event lớn, trong đó có 2 event nhờ CLB Doanh nhân đứng ra với hy vọng tìm kiếm được phần nào tài trợ quảng cáo của các doanh nghiệp để lỗ ít thôi, vì chi phí sản xuất phim này cao gấp 6 lần so với khung giá trần của đài truyền hình. Ngoài ra, còn có một thực tế là không phải nhà sản xuất phim nào cũng có sẵn một số tiền (từ 4-6 tỷ đồng/ 30 tập phim – số tập trung bình của phim truyền hình Việt hiện nay) để “ung dung” làm phim rồi chờ ngày lên sóng thu lại. Bởi vậy, hình thức Product Placement (viết tắt PPL) đưa các sản phẩm quảng cáo vào phim là cách giúp nhà sản xuất vừa có tiền vừa giảm bớt được chi phí  làm phim.
 Về lợi ích đáng kể của việc nhận được tài trợ, có thể ví dụ như: bộ phim truyền hình Anh em nhà bác sĩGia tài bác sĩ có bối cảnh chính chiếm phần lớn phim là bệnh viện, hay phim Chuyện tình Đảo Ngọc có bối cảnh chính là một khu resort biển sang trọng... nếu Anh em nhà bác sĩ  không có bệnh viện FV hay Chuyện tình Đảo Ngọc không có khu du lịch Vinpearl Land tài trợ, thì nhà sản xuất sẽ phải chi khá nhiều tiền cho việc xây dựng phim trường hoặc thuê bối cảnh để quay trong mấy tháng trời. Những sản phẩm cao cấp hoặc đắt tiền (như xe hơi, điện thoại di động, trang phục cao cấp) xuất hiện trong phim Cô gái xấu xí, Có lẽ nào ta yêu nhau, Bỗng dưng muốn khóc... mà không có sự tài trợ của các nhãn hiệu, nhà sản xuất hay diễn viên cũng khó trả nổi chi phí thuê mướn... .
   Thời gian qua, PPL phim truyền hình “nở rộ” với sự bắt tay của nhiều nhãn hàng từ đồ dùng trong gia đình đến các nhãn hàng cao cấp, có thể kể như: Dầu gội, nước thơm toàn thân... của Double Rich trong phim Tình yêu pha lê; SamSung (điện thoại và tủ lạnh), dầu ăn Neptune 1:1:1; Double Rich trong phim Cha dượng; Nệm Liên Á và nước uống Spy, Farmaton, Dệt Thái Tuấn... trong phim Hạnh phúc có thật; Nestle Café, Maggie... trong phim Lọ lem thời @;  Vinamilk, Nestle Café trong phim KTX;  Nivea trong phim Mùa chim én xôn xao; Thời trang Foci và Nem, Highlands Coffee trong phim Cô gái xấu xí; Pepsi, trà xanh không độ, Sapuwa trong phim Tuổi yêu; Chinsu, mật ong Cà Mau... trong phim Kính thưa Ôsin; Dầu ăn và cà phê hòa tan, trà xanh C2 trong phim Bí kíp; thực phẩm chức năng trong phim Lời thú nhận của Eva; một số ngân hàng lớn trong phim Xin thề anh nói thật; điện thoại Nokia trong phim Cuộc gọi lúc 0 giờ ...
QUYỀN LỢI CỦA NHÀ TÀI TRỢ
   Xuất hiện “tình cờ” trên phim ảnh là lựa chọn tối ưu để việc quảng cáo sản phẩm, thương hiệu của nhà tài trợ đỡ thô thiển, nhàm chán. Một spot quảng cáo TVC xuất hiện vào giờ vàng trên truyền hình giá trung bình từ 30 - 60 triệu đồng/30 giây ; trong khi tài trợ cho phim có mức giá từ 5-10 triệu đồng/phút... Một bộ phim truyền hình thường không chỉ chiếu trên một kênh mà nhiều kênh, đồng nghĩa với việc sản phẩm được quảng bá lặp tới, lặp lui. Như vậy, so với việc quảng cáo TVC thì hình thức tài trợ này tiết kiệm được nhiều chi phí hơn hẳn mà còn dễ dàng kiểm soát được hình thức, cũng như nội dung, thời lượng xuất hiện của sản phẩm trên phim... Các hình thức tài trợ phổ biến hiện nay là: Cho các sản phẩm tham gia “diễn xuất” trực tiếp trong phim cùng các diễn viên chính như sử dụng điện thoại, túi xách, quần áo, xe hơi... Cách thứ 2 là sản phẩm đó được làm nền cho một cảnh quay hoặc được gọi tên hay nhắc đến qua lời thoại của diễn viên. Tùy theo đặc tính thương hiệu và đối tượng khách hàng nhắm tới của sản phẩm mà các nhà tài trợ sẽ chọn một cách thức nào cho phù hợp. Cả hai hình thức tài trợ này đều được khai thác triệt để trong phim truyền hình Việt Nam. 
Tài trợ ở ta thường theo từng phim có nội dung kịch bản phù hợp và đối tượng khán giả phù hợp với sản phẩm đó. Bởi vậy, nhà sản xuất phim chủ động chọn lọc đối tác tài trợ và gửi kịch bản phim đến chào mời. Chỉ những công ty lớn ở Việt Nam mới có một vài công ty (chuyên về quảng cáo và truyền thông) để thuê đánh giá kịch bản, phân khúc khán giả; còn lại phần lớn các công ty đều giao cho bộ phận marketing hay quảng cáo tự thẩm định kịch bản. Thông thường nhà tài trợ sẽ đọc trước kịch bản để tìm những tình huống, những cảnh phim có thể lồng hình ảnh sản phẩm, thương hiệu của mình vào.Ví dụ như các loại nước uống cao cấp chỉ thích hợp xuất hiện trong các quán bar sang trọng; trong khi nước uống đóng chai hay nước ngọt thì có thể xuất hiện thoải mái trong các quán giải khát bình dân. Nếu không thể tìm được chỗ xuất hiện hợp lý sẵn có, nhà tài trợ yêu cầu phía nhà sản xuất (tác giả kịch bản, đạo diễn) tạo ra những tình tiết mới để sản phẩm được xuất hiện. Ví như, bộ phim Cuộc gọi lúc 0 giờ đã “sáng tác” thêm nhiều chi tiết cho chiếc điện thoại Nokia trở thành một nhân vật quan trọng xuất hiện liên tục trong phim. Hay có nhiều trường hợp kịch bản ban đầu có bối cảnh chính và câu chuyện xảy ra ở công ty sản xuất sản phẩm X, nhưng khi có sản phẩm Y tài trợ thì nhà sản xuất sẽ thay đổi, chỉnh sửa lại cho phù hợp. Nói về lợi ích của hình thức quảng cáo trong phim, một nhà sản xuất cho biết: “PPL là hình thức quảng bá lặp lại cho thương hiệu. Người tiêu dùng không biết gì về chúng, nhìn thấy sản phẩm xuất hiện trên phim sẽ đặt câu hỏi rồi tò mò khám phá? Hay những người hâm mộ diễn viên, xem phim thấy diễn viên chọn sản phẩm ấy thì sẽ dùng theo...”.  
RẤT CẦN SỰ CHUYÊN NGHIỆP...
   Quảng cáo là yếu tố kích cầu cho sản xuất phim nói chung, và phim truyền hình nói riêng. Từ lâu khán giả ở ta đã quen với việc phim nước ngoài (Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc...) tràn ngập hình thức PPL sản phẩm trên phim, song họ đưa vào rất khéo, rất chuyên nghiệp, không lộ liễu, không phô trương và nhuyễn vào nội dung phim. Thời gian qua, phim Việt bị khán giả chê bai vì sự xuất hiện phô trương, lộ liễu, phi lý của các sản phẩm quáng cáo trong phim... Bộ phim truyền hình nọ có cảnh một gia đình vừa ăn cơm xong, ông bố rời bàn ăn đến mở tủ lấy ra một hộp nhỏ, rồi bật nắp lấy kẹo singum nhẩn nha chia cho mỗi người 2 viên ăn như tráng miệng, sau đó ông chú còn giành ăn kẹo với cậu cháu kéo dài đoạn phim này tới mấy phút. Ở một bộ phim truyền hình khác thì những chai dầu ăn của hãng nọ xếp như quầy hàng trong bếp của 5 căn hộ trong một chung cư – bối cảnh chính  của phim, một bà đi chợ xách theo cái làn cũng để sẵn một chai dầu ăn, bà mẹ sang thăm nhà con trai mang theo quà là chai dầu ăn và khi đưa quà thì quay cận cảnh khá lâu. Một số bộ phim như: Anh chàng vượt thời gian thì gần như bê nguyên xi (mà vụng về) nội dung TVC quảng cáo của một nhãn hàng trà thảo dược nổi tiếng vào câu chuyện chính của phim; Hai gia đình cũng có câu chuyện phim được thực hiện theo “đơn đặt hàng” của một hãng xe máy nổi tiếng... 
Một số đạo diễn thì than phiền bị “ép” đưa quảng cáo vào phim; áp lực về kinh phí nhiều khi buộc nhà sản xuất phải lồng quảng cáo vào phim bằng mọi giá theo yêu cầu của nhà tài trợ... Tuy nhiên, trừ một số nhà tài trợ quá khó chịu, còn thì đa số họ cũng không muốn điều này, vì có thể sẽ gây tác dụng ngược, đẩy sản phẩm đến chỗ bị khán giả ghét lây. Và cũng có nhiều nhà sản xuất cũng không thấy vui khi sản phẩm của một nhãn hàng nào đó xuất hiện tràn lan trên phim của mình. Nguyên nhân dẫn đến quảng cáo trong phim truyền hình ở ta bị chê là do sự thiếu chuyên nghiệp. Một nhà sản xuất cho biết: có nhiều đạo diễn rất ý thức được việc cả hai cùng có lợi nên lồng ghép sản phẩm khá kín đáo, phù hợp; nhưng cũng có nhiều đạo diễn (do làm ẩu hay non nghề) thì không tuân theo kịch bản phân cảnh, đặt sản phẩm quảng cáo trong phim rất tùy tiện, tràn lan... nên khi quay xong về dựng không cắt bỏ được. Một nhà sản xuất khác thì chia sẻ rằng, trước những đòi hỏi gắt gao của nhà tài trợ thì phải có sự thuyết phục, phân tích để họ hiểu sản phẩm xuất hiện như thế nào là phù hợp trong phim. Như thế, muốn PPL trong phim đạt hiệu quả về nghệ thuật và quảng bá thì đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các công ty, nhà sản xuất phim, đạo diễn và diễn viên, để tính toán kỹ càng trong việc đưa sản phẩm gì và “cài cắm” như thế nào vào phim, để khán giả không chê trách - một nhà sản xuất kết luận. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà tất cả các nhà sản xuất, nhà tài trợ đều đồng ý là: muốn có quảng cáo sản phẩm trong phim nhiều thì bộ phim truyền hình đó phải hay và đảm bảo thu hút được nhiều người xem.
Hiện nay để có được những hợp đồng PPL cho phim truyền hình Việt là một “thách thức” với các nhà sản xuất. Bởi lẽ: Thứ nhất là có quá nhiều sự cạnh tranh giữa hàng chục nhà sản xuất phim truyền hình. Các nhãn hàng lớn thường nhận được rất nhiều kịch bản từ các đơn vị sản xuất phim gửi đến chào mời. Khi chọn một nhà sản xuất nào đó, họ thường quan tâm đến: đề tài, ê kíp làm phim, năng lực và uy tín của nhà sản xuất, đối tượng khán giả chính của phim, giờ phát sóng... Thứ hai, phim Việt đang rơi vào vòng luẩn quẩn: đề tài và nội dung phim na ná nhau. Thứ 3 là có nhiều nhãn hàng tuy thích hình thức PPL nhưng lại ngại vì cách thực hiện, lồng ghép quảng cáo trong phim chưa tốt...
T.s Lê Thanh Minh
R&D Manager - Cửu Long Films

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét