Vừa
qua, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM kết hợp với Hội Điện
ảnh TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc Hội thảo: “Thực trạng phim truyện
truyền hình Việt Nam: Chất lượng và Giải pháp”. Đó là cơ hội để những
người trong cuộc cùng ngồi lại với nhau, cùng mổ xẻ những vết thương mà
bấy lâu nay họ đã và đang cố gắng chịu đựng… Phải làm phim trong một môi
trường bị ô nhiễm quá nặng vì đồng tiền ngự trị, lúc nào cũng chạy đua
thời gian để cố hạ kinh phí càng nhiều càng tốt, bỏ qua hêt những tâm
huyết và lương tâm nghề nghiệp, thì ai là những người trong nghề không
cảm thấy đau lòng, bức xức.
Đó cũng
chính là cái dốc trượt mà phim truyền hình Việt Nam đang lao xuống. Ai
cũng hiểu và đều tìm ra đúng nguyên nhân, đúng cái gốc của vấn đề. Nhưng
giải pháp thực thi hiệu quả nằm ngoài tầm tay của những nghệ sĩ mà ở
chính cơ chế hợp tác của các đài truyền hình với các nhà sản xuất hiện
nay. Chúng ta hãy nghe những nhà làm phim nói về chính công việc của
mình hiện tại…
ĐƯỜNG BAY CỦA PHIM TRUYỆN TRUYỀN HÌNH
Đạo diễn Lê Văn Duy
Ngồi cạnh tôi trên chuyến
bay về thành phố, tình cờ tôi quen một chàng trai Hà thành. Qua trao đổi
tôi biết cô vợ sắp cưới của cậu ta mới tốt nghiệp Đại học Điện ảnh,
giám đốc một hãng phim tư nhân. Tò mò hỏi tôi biết thêm cha cô gái phụ
trách một bộ phận quan trọng trong đài truyền hình. Lờ mờ tôi hình dung
ra một “đường bay của phim truyện truyền hình” đã hình thành. Người
trong đài mở công ty con. Chuyện thật 100%. Ai không tin xin mở cuộc
khảo sát nhỏ, sẽ rõ!
Sự việc tôi nghe trên máy
bay không dừng ở trò móc ngoặc tinh vi đó khi “nhà nhà làm phim, người
người làm phim”. Cái vòi bạch tuộc không dừng trong nội bộ đài mà lan
rộng ra các công ty sản xuất phim đa quốc gia. Người trong nước đứng tên
cho công ty nước ngoài núp bóng cùng thủ lợi. Hiện tượng đài truyền
hình chiếu phim nước ngoài kém chất lượng, mua và phóng tác kịch bản
nước ngoài hàng mấy trăm tập… Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng
này trước tiên phải nói đến chính sách quản lý vĩ mô giữa cung và cầu.
Đất nước ta có 64 tỉnh
thành. Mỗi tỉnh thành có đài truyền hình riêng. Nghĩa là ta có 64 nhà
đài và hàng trăm hãng phim tư nhân. Nhưng Việt Nam chỉ có 2 trường Cao
đẳng Truyền hình và 2 trường Đại học Điện ảnh (đào tạo trong 4 năm). Sự
việc ta thiếu nhân sự chuyên môn có nghề là điều tất yếu. Nhiều cấp ủy
địa phương lại chỉ thuần quan tâm đến chính trị, ít để ý đến chuyên môn
trong việc bổ nhiệm bộ máy cán bộ quản lý chủ chốt các nhà đài. Đó là
chưa nói đến việc tài chánh thiếu, phương tiện chuyên môn thiết bị kỹ
thuật yếu kém. Như thế đầu vào không ổn, bộ máy chuyên môn kém làm sao
sản phẩm nghệ thuật làm ra lại có thể có chất lượng cao?...
TẠI SAO PHIM TRUYỆN TRUYỀN HÌNH DỞ?
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
Tôi có thể khẳng định, phim
truyện truyền hình xuống cấp là do cơ cấu của đài truyền hình. Đài
truyền hình đang tự giết mình mà không biết, hoặc biết mà làm lơ.
Cơ chế đài truyền hình hiện nay làm phim truyện truyền hình là như vầy:
Đài truyền hình cấp tiền và
giao cho các hãng phim và nhà sản xuất làm. Với giá khoảng 180-200 triệu
đồng/tập. Thực chất, khi kinh phí tới tay người làm phim thì qua bao
nhiêu cửa, tiền sẽ rơi rụng bớt… Luật của đài truyền hình là kinh phí
của phim sẽ được quy từ quảng cáo ra tiền một phim, kinh phí khoảng bằng
mấy shot quảng cáo khi bộ phim được phát sóng. Các hãng phim, nhà sản
xuất sẽ làm cam kết nếu phim phát sóng đủ lượng quảng cáo vào giờ đó thì
đài sẽ trả đủ tiền như ký kết ban đầu, nếu không đủ thì phải đền cho
đài, nếu quảng cáo nhiều hơn mức quy định thì đài truyền hình hưởng, nhà
làm phim không được chia mà có thể được đài thưởng ở một mức tượng
trưng.
Vấn đề nằm ở đây. Khi kinh phí được cào bằng và đặt ra một mức, thì nhà làm phim phải tính toán để không vượt kinh phí…
Trở lại việc cơ chế
của đài truyền hình làm truyện phim truyền hình xuống cấp. Khi cơ chế
khoán một mức cào bằng và không cao, và không có khoản thu nào sau khi
có sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề mà chúng ta sẽ bàn sau đây:
1. Mục đích công việc
Người làm kinh doanh thì
phải có lời, nên các nhà sản xuất muốn làm được phim mà không lỗ thì
phải giảm chi phí, giảm bớt thời gian, phải làm phim thiệt nhiều tập để
bù qua xén lại. Khi mục đích này được đưa ra thì phim phải quay nhanh
hơn, phải đơn giản những thứ phức tạp, lương trả cho mọi người cũng ít
hơn thì ít người tốt làm việc... Nên tình hình xuống cấp là như vậy…
Chưa kể các hãng phim hiện nay mọc lên như nấm. Những người không rành
thì cứ nghĩ phim đang phát triển, dễ kiếm ăn nên nhào vô kinh doanh.
Muốn chen chân, cách duy nhất khi họ là lính mới là họ phải chịu nhận
tiền ít hơn, hay nhận lại bởi các công ty nhận sỉ giờ của đài truyền
hình mà làm không xuể nên giao lại, mà giao lại thì họ phải cắt bớt chi
phí cho họ, cứ thế để cạnh tranh, hoặc cắt bớt tiền đi cửa sau để được
giao làm phim… Chưa kể khi đài truyền hình giao cho các hãng phim làm
thì trả tiền sau khi duyệt phim, tức là các nhà sản xuất phải vay ngân
hàng để làm phim. Mà với giá hiện nay, lãi suất vay ngân hàng nhiều khi
còn cao hơn tiền lời của họ….
2. Điều kiện làm việc
Từ mục đích phải tiết kiệm thời gian và chi phí như trên dẫn đến điều kiện làm việc càng lúc càng chụp giật và đơn giản hóa.
3. Khả năng
Từ mục đích và điều kiện như
vậy thì người giỏi cũng thành dở… Nhiệm kỳ của nhà quản lý truyền hình
chỉ có vài năm, nên tương lai có chết thì cũng kệ, miễn sao nhiệm kỳ của
họ thu lợi cho họ. Cho nên tôi nghĩ, thiệt ra họ không có ngu khi đưa
ra một cơ chế bất hợp lý. Vì họ đi nước ngoài nhiều, cũng biết nhiều cơ
chế hợp lý. Nhưng nếu khi cơ chế hợp lý và công bằng dành cho người làm
tốt thì họ chẳng lợi ích gì cho cá nhân.
Vậy cơ chế như thế nào mới phát triển, thiệt ra là không khó.
Thật ra đài truyền hình
không cần cấp kinh phí cho các công ty, các nhà làm phim. Họ chỉ cần
chia lợi nhuận quảng cáo một mức hợp lý thì các nhà làm phim phải ráng
đầu tư làm phim tốt thì mới có khán giả, mới có quảng cáo. Khi đó họ
phải tìm đủ mọi cách làm phim thu hút khán giả. Để làm được như vậy thì
nó sẽ vô đúng cơ cấu kinh doanh hơn là đầu tư tốt, thu hút nguồn nhân
lực có khả năng để có sản phẩm tốt và chỉ có sản phẩm tốt lợi nhuận mới
tăng.
Tức là cơ chế này với mục đích để có lợi nhuận thì sản phẩm phải tốt.
Còn với cơ chế hiện nay thì
để có lợi nhuận là phải tiết kiệm chi phí, phải cạnh tranh giảm giá,
phải có quan hệ nhận dự án và lọt qua sóng.
Tôi nghĩ đây là cái gốc của vấn đề và cần được bàn trước khi kêu la về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm.
PHIM TRUYỀN HÌNH - SAO LÀM MÃI VẪN CHƯA HAY?
Đạo diễn Nguyễn Minh Cao
Nhà sản xuất và quyền quyết định
… Thay vì biên kịch là người
tiếp xúc nhiều với đạo diễn nhất thì hiện nay dường như họ chỉ có điều
kiện tiếp xúc với nhà sản xuất. Người đầu tư muốn gì? Những món gì trong
phim có thể chào quảng cáo, nghề nào nhà sản xuất xin được tài trợ… Có
trường hợp để chạy theo tài trợ, nhân vật chính của phim phải “đổi
nghề”… Biên kịch – người sáng tạo nên nền tảng của một bộ phim – không
có nhiều đất sáng tạo. Họ phải viết theo “đơn đặt hàng” của nhà sản xuất
như: trong phim đó bao nhiêu cảnh nội cảnh, ngoại ngày, đêm?... đều
phải quy định từ khi viết – để nhà sản xuất giảm giá thành và tiết kiệm
tiền đầu tư.
Áp lực doanh thu của nhà sản
xuất đôi khi đổ lên đầu biên kịch và kịch bản vì thế cứ nhàn nhạt theo –
biên kịch dần dà chán với chính “đứa con” của mình. Bởi làm phim truyền
hình nhiều tập cần nhiều thời gian, đôi khi là nửa năm, một năm cho một
kịch bản – để có lửa trường kỳ châm cho sáng tạo là không đơn giản.
Trong khi bị áp lực quá nhiều từ nhà sản xuất, thời gian hoàn thành kịch
bản – biên kịch cảm thấy quá mệt mỏi, đến khi giao kịch bản cho đạo
diễn được rồi thì họ đành “lặn” mất tăm, để tự các đạo diễn phải tùy cơ
ứng biến.
Đạo diễn và dàn diễn viên
Thời gian ít, kinh phí thực
hiện hạn hẹp thì dù đạo diễn và diễn viên có nỗ lực cách mấy phim cũng
rất khó hoàn hảo. Thực tế tôi đã từng phải quay 30 tập phim trong vòng
60 ngày, 2 ngày 1 tập với một hãng phim chưa chuyên nghiệp. Bao nhiêu đó
thời gian, diễn viên không có thời gian để thấm kịch bản, huống hồ là
chăm chút cho từng câu thoại, nét mặt và tư duy riêng cho từng vai diễn
của mình. Chưa nói đến việc diễn viên đa số là không chuyên và từ ngành
khác như: ca sĩ, người mẫu chuyển qua… Về phía đạo diễn, tuy đã tiếp xúc
kịch bản từ trước nhưng 30 tập phim cũng là một số lượng chữ khổng lồ,
hơn 1.300 trang in. Các diễn viên chính cũng phải đọc nhiêu đó số trang
với thời gian quá hạn hẹp… và điều kiện làm việc đôi khi rất khắc nghiệt
(cảnh ngoại ở Phương Nam với cái nắng gay gắt và đôi khi xe cộ rất ồn
ào…).
Tuy nhiên, không thể phủ
định được, trong tình hình khó khăn, vẫn có nhiều bộ phim truyền hình
Việt Nam nhiều tập làm hài lòng khán giả Việt. Ánh nhìn của khán giả đã
bớt “khắt khe” hơn trước. Khi xem những phim Việt hóa thì họ lại ao ước
được xem phim thuần Việt hơn. Khán giả truyền hình đã khóc bởi những
phim thuần Việt như Ngã rẽ (phần 3 của Câu chuyện pháp đình), cười cùng phim thuần Việt như Cá rô em yêu anh, hồi hộp cùng Vật chứng mong manh… Khán giả ngày càng tin tưởng vào phim Việt hơn. Tín hiệu đáng mừng cho nhà sản xuất và những người làm phim Việt.
CÒN KHÔNG TRÁCH NHIỆM NGƯỜI NGHỆ SĨ TRONG SÁNG TÁC?
Biên kịch Nhất Mai
Trong guồng máy sản xuất
phim truyền hình nhanh đến chóng mặt hiện nay, mọi giá trị dường như
được sắp xếp lại. Nhanh - Ẩu - Rẻ có phải là tiêu chí được đề ra và vô
hình trung trở thành tiêu chí được chọn lựa của một số người? Có sản
phẩm nào (kể cả vật chất và tinh thần) nhanh, rẻ mà không ẩu không? Khó
lắm. Tiền nào của nấy! Sáng tác mà làm như gà đẻ thì chuyện một bộ phim
có được sự đồng thuận, hoan hỉ của khán giả hay không thì đúng là khó
lắm. Và người đạo diễn đứng ở đâu của ranh giới này, nhà sản xuất họ có
lý do của họ, còn mình, đạo diễn, linh hồn của bộ phim, anh chọn vị thế
nào để củng cố thương hiệu mình? Trong khi, quyền tối cao nhất, liên
quan đến chất lượng nghệ thuật của một bộ phim, quyền chọn diễn viên để
phân vai, anh cũng không còn cái quyền đó. Quá nhiều áp lực? Và áp lực
mạnh mẽ nhất chính là số tiền thù lao mình sẽ được nhận.
… Nhân vật thứ hai mà tôi
muốn nói đến là tác giả kịch bản. Có thể nói đây là thành phần bị áp bức
nhiều nhất. Nếu như mỗi bộ phim, người ta thường giới thiệu tên biên
kịch đầu tiên, thật ra đó chỉ là hư danh, có khi bộ phim chẳng còn một
chút dáng dấp nào đứa con tinh thần của họ. Nhà sản xuất sẵn sàng đề
nghị biên kịch sửa tới sửa lui kịch bản năm lần bảy lượt, nhưng khi kịch
bản trở thành phim, chỉ cho ra đời một đứa con chỉ còn lại cái tên, lạ
hoắc. Vậy, công sức đổ ra điều chỉnh kịch bản để làm gì, khi qua tay đạo
diễn gần như 100% kịch bản đều thay hình đổi dạng.
… Sở dĩ tôi phải nói dài
dòng về những điều này, vì thật ra, nếu tính đến tinh thần trách nhiệm
của người nghệ sĩ trong sáng tác, đối với người biên kịch thì có khi là
một ngoại lệ, bởi vì họ rất thụ động. Họ có quyền viết, nhưng không có
quyền giám sát, quyền bảo vệ kịch bản, họ chỉ có một quyền duy nhất,
quyền nhận thù lao kịch bản, quyền có tên trong bộ phim, vậy thôi. Còn
nếu cảm thấy rắc rối quá thì thôi vậy, khỏi viết!
Nhưng có khi, cái tên biên
kịch cũng bị quên luôn, không được nhắc đến. Trong lễ phát giải Cánh
Diều từ năm 2008 đến nay, duy nhất chỉ có tên biên kịch phim truyện nhựa
xuất sắc được xướng tên, còn tất cả các giải từ lớn tới nhỏ khác, chỉ
giới thiệu đạo diễn, còn biên kịch ở đâu không biết (có thể kiểm tra
trong văn kiện của Đại hội Điện ảnh năm 2010). Đó, một hội mang danh là
hội nghề nghiệp lớn, thuộc Trung ương mà còn không coi trọng tác giả
kịch bản, huống gì ở nơi khác?
DIỄN VIÊN DỄ HAY KHÓ?
Đạo diễn - Diễn viên Hạnh Thúy
Theo cách nhìn của không ít
người hiện nay thì làm diễn viên khá là dễ, chính vì vậy mà không ít
người tay ngang đã đổ xô đi làm phim và đóng phim. Điển hình là mở bất
cứ bộ phim nào ta cũng có thể thấy những diễn viên ngoại đạo, có thể họ
là những người mẫu, ca sĩ, hot girl, hot boy, doanh nhân... hay thậm chí
một cô tiếp viên hàng không hay một nhân viên văn phòng nào đó có mặt
xinh dáng đẹp.
Tất nhiên không thể phủ nhận
những “kẻ ngoại đạo” đó đã mang một khuôn mặt mới cho phim Việt khi làm
phong phú thêm lực lượng diễn viên vốn dĩ thiếu mà thừa, thừa mà thiếu
của điện ảnh Việt. Cũng như phải cám ơn họ vì sự sang ngang với điện ảnh
cũng như sự dũng cảm của chính họ và đạo diễn khi dám giao và nhận
những vai diễn đầu tiên chạm ngõ để sau đó phim Việt có thêm những khuôn
mặt mới và rất nhiều trong số họ còn thành công hơn cả những diễn viên
chuyên nghiệp bởi cộng với ngoại hình bắt mắt họ có sự nghiêm túc khi
làm nghề, ý thức trong công việc và cả khả năng diễn xuất... như Hồng
Ánh, Ngô Thanh Vân, Phi Thanh Vân...
Tuy nhiên số thành công và
được sự thừa nhận như các anh chị đó không nhiều mà đa phần là khán giả
sẽ được xem những diễn viên với cách diễn ngô nghê, đi đứng cứng ngắc,
với những khuôn mặt không thể hiện được bất cứ cảm xúc nào của nhân vật
cần phải có, nếu là thu thoại trực tiếp thì còn đau lòng hơn khi giọng
thoại cứ đều như đọc mà lắm khi là đọc không chạy... Chỉ bao nhiêu đó
thôi cũng thấy chỉ cần tròn vai thôi đã là khó, còn để mong diễn viên
đào sâu tâm lý, mềm mại trong diễn xuất... thì đúng là không tưởng...
Với bản thân mình, tôi cho
rằng tầm sáng tạo của mình chỉ ở mức tạm chấp nhận được nhưng cũng khiến
tôi vài lần khốn khổ vì những bạn diễn không làm thế nào thuộc thoại,
nhưng nếu muốn thoại lời với họ thì họ còn bận làm đẹp, chuốt lại mái
tóc, tô son, dặm bóng... Và khi ra hiện trường thì mới bắt đầu làm công
việc mà lẽ ra diễn viên phải làm từ trước là học lời. Rồi khi quay thì
vì do chưa thuộc lời nên cứ nhăm nhăm nói lời mà quên mất cả diễn, khiến
bạn đồng diễn có muốn sáng tạo cũng bó tay vì cứ nhìn bạn diễn ấp a ấp
úng ráng nói cho xong lời thì còn đâu hứng thú mà sống với nhân vật nữa?
Nếu so về cách làm việc, tôi
cho rằng nếu cứ như hiện nay thì chúng ta còn lâu lắm mới có những phim
hay, diễn viên giỏi để vươn ra tầm thế giới…
HÃY CHỈ CHO TRÚNG NGUYÊN NHÂN KHIẾN PHIM TRUYỆN TRUYỀN HÌNH SÚT KÉM CHẤT LƯỢNG
Đạo diễn - Biên kịch Tô Hoàng
… Vậy nguyên nhân chính, kẻ “
tội đồ” chủ yếu khiến cho phim truyện truyền hình ngày càng sa sút,
càng xuống cấp nghiêm trọng về chất lượng là ai, đang ẩn náu ở đâu?
Đến đây, với tất cả sự mạnh dạn và thẳng thắn, chúng tôi xin nói thẳng thừng: Chính là Nhà nước đã đun đẩy phim truyện truyền hình vào tình trạng đáng rung chuông báo động như ngày hôm nay.
Có một câu hỏi đơn giản như
thế này, liệu có ai nghĩ tới không: “Đầu ra” cho phim truyện truyền hình
hiện nay nằm ở đâu? Có thể trả lời được ngay: ‘Đầu ra” chính là hơn 80
kênh, đài truyền hình của trung ương và các tỉnh thành đang phủ sóng
ngày đêm khắp cả nước! Tôi không có dịp ra nước ngoài để tìm hiểu xem,
trong khu vực và trên thế giới có quốc gia nào nhiều kênh phát sóng như ở
Việt Nam không? Truyền hình analog và truyền hình cáp. Bây giờ còn có
cả truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam, của VNTTX. Nghe nói sắp tới
quân đội, công an còn có kênh riêng của mình. Kênh, đài đã nhiều mà
kênh, đài nào cũng đua nhau phát sóng 24/24 giờ trong một ngày. 5, 7 năm
trước đây, một đài truyền hình cấp tỉnh như Bến tre, Trà Vinh gắng gỏi
lắm cũng chỉ dám bảo đảm phát sóng từ 3 tới 6 giờ trong một ngày…
Vậy khi Nhà nước chủ trương
cho thoải mái, tự do mở kênh, lập đài vô tội vạ như hiện nay, và nhất là
lại để phó mặc các đài “tự nuôi thân” thì đây là nguyên nhân số 1,
nguyên nhân chủ yếu đẻ ra tình trạng sản xuất phim truyện truyền hình ào
ạt, lấy số thay lượng, coi việc thu hồi được nhiều quảng cáo đáng nể
trọng, đáng coi là thước đo hơn hẳn phẩm chất nghệ thuật của bộ phim như
dư luận đang tỏ ra bất bình.
Nếu nhất trí nguyên nhân số
1, nguyên nhân chính yếu là như vậy thì theo ý chúng tôi, sẽ có 3 phương
sách hữu hiệu để tháo gỡ như sau:
1. Giảm thiếu tối đa
các đài, các kênh truyền hình đang phát sóng. Nghe điều này có vẻ khiên
cưỡng và phi lý, nhưng vào đầu những năm 1990 có những người quản lý và
lãnh đạo ngành truyền hình Việt Nam đã đề xuất phương án dẹp bỏ hết đài
cấp tỉnh, chỉ còn để tồn tại Đài Truyền hình VN, Đài Truyền hình TP.HCM
và một vài đài khu vực nằm ở Huế hay Đà Nẵng, Cần Thơ. Giảm thiểu số
lượng đài, kênh tức giảm thiểu tối đa “đầu ra” của phim truyện truyền
hình. Đài, kênh ít đi sẽ có điều kiện để kiểm soát và lựa lọc phim. Phim
ít đi, sẽ có điều kiện để những ai đủ phẩm chất sáng tạo, biết làm nghề
mới bắt tay làm phim. Sự xô bồ, làm nhanh, làm ẩu sẽ bị dập tắt liền.
2. Nếu không giảm
thiểu tối đa đài, kênh đi và cũng không thể cản được dòng thác tuôn trào
của việc sản xuất phim truyện truyền hình thì Nhà nước chịu mở hầu bao
đầu tư một cách thích đáng để nuôi lấy một dòng phim có ý tưởng, có chủ
đề, có thẩm mỹ vừa làm đối trọng vừa làm đối thủ cạnh tranh với phim
truyện truyền hình hiện nay. Làm như thế cũng tức là dòng phim nghệ
thuật, thẩm mỹ do Nhà nước nuôi dưỡng sẽ bước vào cuộc giành giật lại
người xem; giành giật cả nhu cầu thưởng thức có lựa lọc từ dòng phim
giải trí hiện nay. Đồng thời cũng là biện pháp tích cực bảo vệ, gìn giữ
những truyền thống tốt đẹp của nền điện ảnh đã ra đời trong cách mạng và
chiến tranh và giữ định hướng cho hoạt động phim ảnh nói riêng, văn hóa
nói chung.
Và bằng cung cách ấy hoặc sẽ
góp phần vực dắt dòng phim giải trí về với sự nghiêm túc, kỹ càng hoặc
bóp mũi cho nó nghẹt thở chết ngay.
3. Kiến giải cuối là
cứ để mặc tình trạng sa sút, kém cỏi của phim truyện truyền hình hiện
nay tồn tại. Tự nó sinh ra khách, tự nó sẽ xua đuổi khách đi. Tự nó tạo
ra vốn quay vòng và cũng tự nó dần dần cạn vốn như con lạc đà ở giữa sa
mạc. Tự nó mở đường và tự nó đâm đầu vào ngõ cụt. Đương nhiên là trong
một khoảng thời gian dài dài…
LỐI ĐI NÀO CHO PHIM TRUYỆN TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM HIỆN NAY?
PGS-TS Trần Luân Kim
… Giải pháp nào có thể ngăn
chặn hiệu quả đà tụt dốc, đồng thời phát huy ưu thế chế tác phim truyện
truyền hình ở nước ta trong giai đoạn hiện nay?
Trước hết, phải quan tâm đến
yếu tố quan trọng bậc nhất là đội ngũ hành nghề. Do đặc điểm nào đó, ở
nước ta, tỉnh nào cũng thành lập một đài truyền hình riêng, cát cứ một
khoảnh riêng. Đó là duyên cớ rõ ràng dẫn tới tình trạng phân tán lực
lượng trên phạm vi toàn quốc. Cần trước hết từng đài có kế hoạch đào
tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức chính trị - xã
hội - văn hóa cho các thành phần sáng tác.
Song song việc tích cực tổ
chức tiếp thu kỹ năng chế tác, phương pháp làm phim tiên tiến với kỹ
thuật công nghiệp hiện đại của các nước đối với đội ngũ sáng tác, cần
tập trung cải cách phương pháp điều hành chuyên ngành đối với các nhà
quản lý hoạt động chế tác phim truyện… Đề tài và thể loại là hai yếu tố
nền tảng hình thành tác phẩm, cần được chú trọng hàng đầu…
Lâu nay, hiện tượng tùy
hứng, tùy tiện trong lựa chọn đề tài và thể loại thể hiện, đã khiến
nhiều tác phẩm chưa đi vào cuộc sống đã bị cuộc sống gạt bỏ. Với phim
truyện truyền hình (nhiều tập), đông đảo người xem hiện nay luôn có cảm
tình với những câu chuyện về lối sống cộng đồng, nền nếp sinh hoạt gia
đình thuần việt được diễn đạt chân thực, gần gũi, có sức gợi cảm.
Song song với những việc cần
làm nói trên, lề lối hợp tác giữa đài truyền hình với các nhà sản xuất
phim, trong đó có các nhà sản xuất phim tư nhân cần được thiết lập trên
cơ sở đối tác bình đẳng, cùng có lợi và cùng chung trách nhiệm. Cả hai
bên cần tuân thủ nghiêm ngặt cơ chế phối hợp bảo đảm chất lượng nội dung
cũng như chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Điều đó có nghĩa là cả hai
bên cần thống nhất kế hoạch sáng tác sản xuất và phát sóng một cách chủ
động và hài hòa. Cần sản xuất sớm và chỉ bắt đầu phát sóng khi toàn bộ
tác phẩm đã được hoàn thiện và đã qua kiểm tra chất lượng nghiêm túc.
Cũng có thể tránh tình trạng đánh đồng kinh phí cho tất cả các phim bằng
cách phân hạng phim theo tiêu chí phù hợp để làm căn cứ hạch toán cụ
thể cho từng phim.
Lại còn cần có sự điều phối
tổng thể từ cấp trung ương đối với hệ thống đài truyền hình cả nước về
kế hoạch luân phiên phát sóng các tác phẩm chủ lực nhằm đảm bảo tận dụng
bản phim, đồng thời tạo điều kiện cho mọi đài có điều kiện sử dụng hợp
pháp các tiết mục tốt, tránh tình trạng cố hữu là thiếu tiết mục và xâm
phạm bản quyền của nhau.
Vượt qua khó khăn trước mắt
bằng nhiều giải pháp tổng hợp như vậy mới mong phim truyện truyền hình
nước ta sẽ được gia tăng trong tương lai không xa về số lượng cũng như
chất lượng thể hiện nghệ thuật.