Nhìn vào các sản phẩm của
những hãng phim tư nhân và các công ty cổ phần truyền thông (CTCPTT) đầu
tư sản xuất, ta thấy rõ tính chuyên nghiệp, tính quốc tế và sự tự tin
của các nhà đầu tư. Những phẩm chất đó phối kết với nhau trong từng sản
phẩm, từ cách chọn đề tài, cách tổ chức sản xuất và cách quảng bá, tiếp
thị đã tạo cho điện ảnh và truyền hình xã hội hóa một diện mạo mới, một
đẳng cấp mới đầy hấp dẫn và thuyết phục.
Những năm gần
đây, các hãng phim tư nhân, các CTCPTT với bản lĩnh tự tin chuyên
nghiệp và sự năng động của mình đã tạo nên những bứt phá ngoạn mục thể
hiện qua những sản phẩm đi vào đời sống văn hóa tinh thần của xã hội. Sự
xuất hiện của các phim nghệ thuật và giải trí có chất lượng cao do tư
nhân sản xuất như Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng, Nụ hôn thần chết và
loạt phim phóng sự truyền hình có tính đột phá do các CTCPTT phối hợp
với Đài TFS sản xuất như Mê Kông ký sự, Huyền bí sông Hằng... đã cho
thấy quá trình xã hội hóa điện ảnh và truyền hình ngày càng có hiệu quả
văn hóa và xã hội.
Khẳng định tính chuyên nghiệp
Nhìn vào cách
tổ chức sản xuất và quảng bá sản phẩm của các hãng phim tư nhân như
Thiên Ngân, Phước Sang, BHD, Chánh Phương, và các CTCPTT như TV Plus,
Cát Tiên Sa... ta có thể thấy họ điều hành mọi việc rất bài bản theo các
cách thức và chuẩn mực của các doanh nghiệp giải trí truyền thông trong
các nước phát triển. Họ đã biết sử dụng những chuyên gia được đào tạo
bài bản ở nước ngoài và áp dụng các tri thức chuyên ngành của công nghệ
giải trí, truyền thông vào thực tế hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Họ
biết dùng các phương tiện hiện đại và các chiêu thức tiếp thị chuyên
nghiệp để quảng bá cho sản phẩm ngay từ khi mới hình thành ý tưởng.
Trong khi các
hãng phim nhà nước hầu như không bao giờ lập trang web cho một bộ phim,
tổ chức họp báo ra mắt đoàn làm phim một cách trang trọng ngay từ lúc
khởi quay hay bỏ kinh phí lớn quảng cáo cho sản phẩm trên báo chí, băng
rôn, tổ chức các hoạt động khuyến mại nhân dịp phim ra rạp... thì các
hãng tư nhân đã làm việc đó một cách tự giác, năng động và thành thạo.
Một đạo diễn của Hãng phim Truyện Việt Nam khi đóng góp ý kiến cho Luật
điện ảnh đã đề nghị bổ sung trách nhiệm quảng bá sản phẩm cho các hãng
phim nhà nước, một đạo diễn khác mơ phim của mình có được sự quảng bá
như các phim tư nhân. Vì trên thực tế, nhiều phim do các hãng phim nhà
nước sản xuất bị rơi vào tình trạng “áo gấm đi đêm”, không hề được quảng
bá, ngay cả khi mang chuông đi đấm nước người, mang giới thiệu ở chợ
phim quốc tế cũng không có đủ các phương tiện thông tin tối thiểu như áp
phích, tờ rơi, đĩa CD giới thiệu. Trong khi các nhà báo phải khó khăn
vất vả mới có được thông tin và hình ảnh của các phim nhà nước để giới
thiệu, thì các hãng phim tư nhân đã chủ động cung cấp đầy đủ cho báo
giới.
Tính chuyên
nghiệp, tính hàn lâm là một nét mới phân biệt các hãng phim tư nhân ngày
nay với các hoạt động sản xuất phim tư nhân của thập kỷ 90 thế kỷ
trước...
Những bài toán ở tầm quốc tế
Các hãng phim nhà nước chỉ trông
chờ vào tiền tài trợ hay đặt hàng từ Nhà nước, thậm chí chỉ lo khấu hao
vật tư và khai thác việc bán chất xám của nghệ sĩ lấy tiền trả lương mà
hầu như không có bài toán kinh doanh quốc tế như các hãng tư nhân. Hãng
phim Truyện Việt Nam trong nhiều năm không tổ chức được đủ công ăn việc
làm cho các nghệ sĩ, đến nỗi phải cho các nghệ sĩ tài năng nghỉ hưu sớm
lĩnh "một cục" và phải trả lương 70% cho toàn thể CB-CNV cơ quan, đến nay
bắt đầu ra quy chế cắt lương các nghệ sĩ đi làm bên ngoài và gửi công
văn cho các hãng phim tư nhân thông báo sẽ đòi tiền "xuất khẩu" các nghệ
sĩ, theo đó các hãng khác thuê một nghệ sĩ của Hãng phim Truyện Việt
Nam ngoài tiền trả cho nghệ sĩ phải trả cho hãng 4 triệu đồng/tháng.
Mục tiêu của
các hãng tư nhân là họ hướng tới những bài toán lớn ở đẳng cấp quốc tế.
Họ dám bỏ hàng triệu đô-la để sản xuất các bộ phim có giá trị nghệ thuật
để tham dự các LHP quốc tế, tạo thương hiệu cho xuất khẩu thu hồi vốn
như Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng... Họ có những chương trình hợp
tác và kinh doanh quốc tế như Hãng Phước Sang hợp tác với Hàn Quốc sản
xuất phim Mười, Hãng Thiên Ngân hợp tác với công ty Mỹ làm cụm rạp Mega
Star, Hãng BHD đã kết nối được với một mạng lưới các nhà phát hành phim
quốc tế để giúp các hãng nhà nước xuất khẩu nhiều phim hay đang tồn đọng
trong kho. Các CTCPTT như TV Plus cũng phối hợp với Đài TFS sản xuất
các chương trình ký sự tầm cỡ quốc tế như Mê Kông ký sự, Ký sự hỏa xa,
Amazone, Tân Đảo, Huyền bí sông Hằng... và đang triển khai hàng trăm tập
ký sự Con đường vĩ đại về hành trình cứu nước của Bác Hồ và Con đường
tơ lụa về lịch sử giao thương và văn hóa vùng Tây Á. Bên cạnh một số
games show kém chất lượng làm các công ty tư nhân mất điểm, thì những
chương trình này không chỉ làm phong phú thêm thực đơn hấp dẫn cho màn
ảnh nhỏ, kết hợp được tính giải trí và tính giáo dục, mà còn nâng các
chương trình truyền hình Việt Nam lên đẳng cấp quốc tế. Điều thú vị nữa
là các CTCPTT này không chỉ biết phối hợp với nhau trong một dự án sản
xuất chương trình, mà còn biết phối hợp với các công ty du lịch để biến
hành trình sản xuất phóng sự thành một tour du lịch văn hóa đầy hấp dẫn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét