Ở
Việt Nam, phim truyền hình chỉ mới xuất hiện khoảng hơn chục năm. Nếu
như chỉ vài ba năm trước, chúng ta còn kêu ca màn ảnh nhỏ các đài truyền
hình bội thực phim truyền hình Trung Quốc, Hàn Quốc…thì
hiện nay, bật tivi lên là thấy phim Việt. Phim Việt tràn ngập mọi kênh,
từ trung ương đến địa phương, từ các kênh xã hội hóa đến những kênh vẫn
còn ghi rõ là "thử nghiệm". Điều đó cho thấy chúng ta có một lực lượng sản xuất phim truyền hình hùng hậu, sẵn sàng cung ứng cho màn ảnh nhỏ một lượng lớn phim Việt, trong đó có công lớn của các công ty tư nhân, hãng phim tư nhân. Tuy nhiên, chính vì được ưu ái qua chính sách "giờ vàng", được khán giả quan tâm mà các nhà sản xuất đã vô tình thúc hối đứa con "chân yếu tay mềm" là phim truyền hình Việt Nam phải chạy, phải tăng tốc khi nó chưa đủ lực, chưa đủ sức. |
Nếu chú ý, mọi người sẽ thấy phim truyền hình Việt hiện nay thường có độ dài 30 tập trở lên. Các nhà sản xuất tư nhân mặc định đó là con số chuẩn, vì nếu ít hơn, có thể họ sẽ khó đạt đến điểm hòa vốn, chứ đừng nói đến chuyện có lãi.
Thế là tác giả kịch bản được yêu cầu phải "xé" ra nhiều tập, đạo diễn được đề nghị "giăng" ra thêm vài tập. Điều đó đồng nghĩa với việc số giờ phát sóng sẽ nhiều hơn, doanh thu quảng cáo sẽ cao hơn.
Tôi có một người bạn mất cả năm trời để hoàn thành một kịch bản dài 20 tập. Nhưng khi mang kịch bản đi chào, chẳng nhà sản xuất nào chịu đọc khi biết độ dài chỉ 20 tập. Bạn tôi được khuyên nếu muốn bán kịch bản thì phải xé thành 30 tập. Bạn tôi không đồng ý, thế là kịch bản tâm huyết đó đành nằm lại trên máy tính.
Kể ra chuyện này không phải để trách nhà sản xuất "vô tâm" với những kịch bản không đạt con số chuẩn 30 tập. Không ai dại dột bỏ hàng đống tiền sản xuất một sản phẩm mà họ biết chắc sẽ khó lấy lại vốn.
Với cách "mua bán" sóng như hiện nay, 20 tập quả là khó để nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư, nên tốt nhất là cứ chọn kịch bản dài, còn vấn đề phim hay - dở không quan trọng vì nhà đài đâu có duyệt hết mấy chục tập phim. Điển hình như vụ lùm xùm Anh chàng vượt thời gian vừa qua, nhà đài chỉ làm động tác đọc duyệt đề cương và vài tập đầu, thấy ổn là… bán sóng, lên lịch chiếu dù bộ phim vẫn chưa làm xong.
Nếu đã chê đạo diễn, chê diễn viên, chê nhà sản xuất thì chúng ta cũng cần phải công tâm phê bình nhà đài. Tại sao nhà đài không đặt ra những điều kiện gắt gao hơn, kỹ lưỡng hơn trong việc duyệt phim? Nếu cứ theo cách duyệt hình thức như hiện tại thì làm sao tránh để "lọt lưới" những bộ phim 3D - dài, dai dở? Tại sao nhà đài không khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất đầu tư những bộ phim ngắn tập nhưng nội dung hay, chất lượng?
Muốn phim truyền hình Việt cải thiện chất lượng, có nhiều phim hay thì chính nhà đài phải tích cực hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong việc dành sóng, thậm chí là cho sóng để công chiếu những tác phẩm hay. Còn như nếu cứ giữ nguyên cách "thuận mua vừa bán" như hiện tại thì cậu bé "phim truyền hình Việt" cứ phải vắt giò lên cổ mà chạy theo số lượng, té ngã là điều không thể tránh khỏi!
TUẤN HUY
* Phim hay rất cần tình tiết
Muốn phim có nhiều tập thu hút được người xem thì phải xây dựng nội dung phim có nhiều tình huống hay thu hút người xem theo dõi phim đến cùng nhưng không thể bỏ qua tính chân thật, hợp lý (nhiều phim truyền hình Việt hiện nay có những đoạn như câu giờ để kéo dài được nhiều tập, xem rất chán). Nội dung phim phải có cái gì hay để cho khán giả sống với đời sống của nhân vật. Nội dung phim nên hướng nhiều đến đời sống với những mối quan hệ gia đình, cha mẹ, anh em… từ đó giúp cho khán giả có sự chiêm nghiệm, rút ra cho mình một điều gì đó, ví dụ như “xem phim Hàn sẽ hiểu hết được văn hóa Hàn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét