Lâu
nay, các “nhà đài” vẫn cứ ngồi… chờ nhà sản xuất đem kịch bản (hay đề
cương) đến duyệt hoặc mang phim đến bán bản quyền chứ chưa thấy đài nào
quy hoạch rõ ràng cần có những phim về đề tài nào hay tập trung vào mảng
phim nào để các nhà sản xuất biết mà lo liệu.
Mới đây,
người có chức trách của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) cho hay, đài này
đang hướng các nhà sản xuất làm phim về nông thôn, nông dân, đặc biệt là
nghề và làng nghề, và có thể thấy điều này trong năm 2011. Đây có thể
coi là tín hiệu vui của phim truyền hình (PTH) khi các nhà sản xuất được
“nhà đài” định hướng đề tài?
“Nhà đài” và nhà sản xuất đều… lúng túng
Kể từ khi “phim Việt giờ
vàng” bắt đầu “chạy” trên Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) vào tháng 5/2005,
PTH Việt ngày càng tăng nhanh về số lượng. Vài năm đầu, có thể thấy sự
bung ra ồ ạt của các phim giải trí, loanh quanh với các cuộc tình tay
ba, các mối quan hệ trong gia đình, nhất là những gia đình tái ngộ sau
ly tán, xuất phát từ các kịch bản “Việt hóa”: Vòng xoáy tình yêu, Niềm đau chôn giấu, Mộng phù du…
Sau đó, cùng với việc HTV mở
rộng khung “giờ vàng” trên các kênh khác và sự tham gia hồ hởi của
nhiều nhà sản xuất, PTH trên sóng ngày càng đa dạng thể loại, đề tài…
Nhưng phần lớn dự án vẫn tập trung vào các phim giải trí. Hãng có tên
tuổi nhiều năm cho đến hãng mới chập chững đều thi nhau khai thác đến
nát nước đề tài này, cũng bởi phim giải trí cũng dễ đặt quảng cáo vào
nội dung phim (rất tiếc đa số các hình ảnh quảng cáo này đều gây khó
chịu cho người xem vì thường rất “thô” và ẩu).
Dòng phim về đề tài xã hội với những Ma làng, Luật đời, Chạy án… hay gần đây là Bí thư Tỉnh ủy, Đầm lầy bạc…
có thể coi là thế mạnh của Trung tâm Sản xuất PTH - Đài Truyển hình VN
(VFC). Loạt phim hình sự chất lượng trồi sụt cùng với số lượng phim phát
sóng lẻ tẻ khiến nó chưa thật sự trở thành “món” được khán giả chờ đón
hằng đêm, dù đã có hàng trăm tập phim lên sóng suốt cả chục năm qua. Tuy
nhiên, VFC cũng không “bỏ qua” mảng phim giải trí. Sau khi không mấy
thành công với dự án phim hài “Việt hóa” kịch bản nước ngoài Những người độc thân vui vẻ, VFC sắp cho lên sóng bộ phim tâm lý xã hội Cầu vồng tình yêu (78 tập), trên cơ sở kịch bản của Hàn Quốc, và bộ phim về hậu trường giới biểu diễn Tiếng hót chim họa mi (30 tập)…
Khi Đài Truyển hình VN mở
rộng thêm khung giờ vàng trên kênh VTV1, với ý tưởng của lãnh đạo đài
lúc đó, kênh VTV3 dành cho các phim giải trí và VTV1 “chuyên trị” các
phim đề tài xã hội để tạo nên “thương hiệu” riêng về phim Việt cho mỗi
kênh và khán giả cũng dễ dàng lựa chọn. Tuy nhiên, sau một thời gian
ngắn kể từ khi mở thêm “giờ vàng” vào 21 giờ trên VTV1, có thể do các
phim đề tài xã hội không đủ cung hay do các phim dài tập quá dài (trên
100 tập) nên trên VTV1 lại phát các phim giải trí đan xen phim đề tài xã
hội. Dẫu không đài nào thừa nhận việc bị động về phim phát sóng nhưng
việc có những phim bị… đổ rồi phải nhanh chóng đưa phim khác “thế chân”
phần nào phản ánh tình trạng này.
Hậu quả của sự thiếu định hướng
NSND-đạo diễn Khải Hưng có
lần đưa ra gợi ý các đài truyền hình cần định hướng về đề tài và quy mô
sản xuất để các nhà làm phim xã hội hóa có thể chủ động đầu tư, từ kịch
bản đến tìm kiếm đội ngũ làm phim và kinh phí phù hợp. Gần đây, HTV mới
hướng các nhà sản xuất làm các bộ phim về nông thôn, nông dân, đặc biệt
là nghề và làng nghề. Có nghĩa là trước đó, các nhà sản xuất vẫn tự… dò
dẫm? Và tình trạng này đang phổ biến ở các đài, dù phim vẫn lên sóng đều
đều.
Vì không đưa ra định hướng
hay tiêu chí cụ thể nên không ít nhà sản xuất… liều. Có người chân ướt
chân ráo bước vào làm phim lại chọn ngay bộ kịch bản dã sử với bối cảnh
cung vua, phủ chúa. Có hãng thấy phim lịch sử đang được các đài ưu ái
liền bỏ tiền thuê biên kịch viết cả mấy chục tập về anh hùng ở địa
phương rồi rầm rộ khởi quay. Có công ty thấy phim hài đang thiếu vắng
liền “xông vào” làm hài… Phần nào hậu quả của việc “không biết mình biết
ta” này có thể thấy ở hai dự án phim Anh chàng vượt thời gian và Xin thề anh nói thật.
E rằng danh sách này sẽ còn nối dài, bởi hầu hết các dự án phim tư nhân
hiện nay đưa vào sản xuất đều dựa theo sự… dò dẫm của nhà sản xuất.
Nhiều nước phát triển đã
hình thành những ê kíp sản xuất gắn với từng thể loại phim. Khi chuyên
sâu sản xuất những phim cùng đề tài hay cùng bối cảnh quen thuộc, các ê
kíp có thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và hứa hẹn việc nâng
cao chất lượng phim. Dĩ nhiên, một hãng có thể sản xuất nhiều loại phim
nhưng họ thường xác định được thế mạnh trên thị trường khi cạnh tranh
với các hãng khác.
Việc triển khai các dự án
phim lớn thường có sự điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường và thị
hiếu người xem chứ không phải ngó nghiêng xem có quan hệ ở đài nào để
tìm cửa sóng ở đài đó như nhiều nhà sản xuất ở nước mình. Vậy nên mới có
không ít phim sản xuất từ lâu, chạy hết cửa này đến cửa khác, sau 3-4
đài, cuối cùng phim vẫn được lên sóng. Hay có nhà sản xuất trụ sở phía
Bắc lần đầu làm phim lại có phim phát ở phía Nam, còn các nhà sản xuất
phía Nam thi nhau chạy ra Bắc cũng chẳng còn xa lạ. Chỉ lạ nỗi, chưa
phim nào “ế” vì không tìm được cửa sóng. Mà có khi bán bản quyền ở đài
phía Nam, lần lữa mãi vẫn không xong, ra đến đài ngoài Bắc lại được
“gật”, thế là quảng cáo đổ vào ào ào…
Việc không công khai những
tiêu chí chọn kịch bản, nhà sản xuất hay định hướng đề tài cũng là một
kiểu làm ăn tù mù, khiến tiêu cực dễ phát sinh. Vậy nên PTH ở nước ta
còn trong tình trạng phập phù và những chuyện liên quan đến sản xuất và
phát sóng PTH còn dài, “biết rồi khổ lắm”…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét