Các
yếu tố chính để phim truyền hình Việt ngày càng mất đi sức thu hút là
nạn “cò” hoặc “đạo” kịch bản, đạo diễn chạy sô và đào tạo sơ sài... Công
nghệ viết thuê kịch bản phim truyền hình đã và đang ăn nên làm ra.
Quy trình viết kịch bản thuê
Một bộ phim truyền hình
trung bình dài 30 tập thì chi phí dành cho biên kịch khoảng 5-7 triệu
đồng hoặc 10 triệu đồng/tập tùy vào tên tuổi người viết và độ hấp dẫn
của kịch bản. Tuy thế, số tiền này không thật sự đến tay người sáng tác,
đặc biệt là những biên kịch vô danh hay sinh viên. “Cò” là một biên
kịch hay đạo diễn có tiếng đặt hàng nhóm tác giả trẻ viết thuê kịch bản
với giá từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tập. Sau đó “cò” thuê tiếp
người biên tập lại (với giá 1 triệu đồng/tập) hay chính “cò” làm việc
này. Một năm nếu “cò” có mối quan hệ tốt với “nhà đài”, nhà sản xuất thì
có thể bỏ túi dễ dàng vài trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỉ mà không
phải tốn công sức nhiều.
Hai tác giả trẻ Phạm Tân
(tốt nghiệp khoa Diễn viên cải lương và Đạo diễn sân khấu trường ĐH SKĐA
TP.HCM) và Huỳnh Tuấn Anh (tốt nghiệp khoa Văn ĐH Sư phạm và Đạo diễn
sân khấu trường ĐH SKĐA TP.HCM) từng “làm thuê” cho “cò” kịch bản. Tân -
Anh là đồng tác giả vở kịch Cuộc chơi nghiệt ngã và nhiều phim truyền hình như Cổng mặt trời, Ra giêng ai cưới em, Huyền thoại tình yêu... Cả hai xác nhận: “Phim Ra giêng ai cưới em do chúng tôi viết từ kịch bản đề cương Những cuộc kiếm tiền.
Chúng tôi viết thuê 8 tập trong tổng số 30 tập. Phần tác giả kịch bản
phim ghi rõ: Hoàng Anh. Phan Hoàng Anh là người đã thuê chúng tôi viết
với giá 1,5 triệu đồng/tập phim”. Phạm Tân và Tuấn Anh cũng nhận được
1,5 triệu/tập phim Cổng mặt trời từ Hoàng Anh để viết 10 tập trong tổng số 100 tập của phim này .
Khó
mà đòi hỏi phim truyền hình đạt chất lượng cao khi phát sóng bởi chất
liệu đầu vào là kịch bản đã có nhiều vấn đề. Đào tạo nghề viết kịch bản
trở thành nhu cầu thật sự của xã hội nhưng chỉ ĐH SKĐA Hà Nội là có
ngành học này. Thành lập Hiệp hội Các nhà biên kịch để bảo vệ quyền lợi
cho những tác giả cũng như giải quyết tranh chấp về tác quyền nảy sinh
nếu có trong tương lai cũng là việc cần làm.
|
N.K.D, sinh viên năm 3 khoa
Đạo diễn sân khấu trường ĐH SKĐA TP.HCM là nạn nhân của nạn “cò” kịch
bản. D. là người đã viết kịch bản phim điện ảnh Thiên sứ 99 với thù
lao... 2 triệu đồng! Tuy vậy, khi phim ra rạp, tên tác giả kịch bản hoàn
toàn khác. “Tác giả Diệu Như Trang đã gặp tôi và đặt hàng viết kịch bản
phim truyền hình Màu tình yêu dài 32 tập với giá chỉ 500.000
đồng/tập. Có những tập tôi còn bị trừ tiền do giao kịch bản trễ. Trước
đó, chị Trang gặp tôi đề nghị viết vở Sám hối cho Sân khấu kịch Phú
Nhuận, TP.HCM dàn dựng. Tôi viết 60% kịch bản vở này nhưng không nhận
được một đồng thù lao nào vì chị Trang nói đó là quá trình “thử việc”.
Vậy mà khi công diễn tác giả kịch bản vở này là Diệu Như Trang, tôi hoàn
toàn không có tên gì cả”, N.K.D nói thêm.
Đạo diễn trẻ Q.T từng bức
xúc khi bị “lừa” kịch bản. Năm 2010, Q.T đưa cho H.L, một biên kịch trẻ
của đài truyền hình cáp đề cương kịch bản phim Ngày gió ngừng trôi
và ứng cho cô này 10 triệu đồng để triển khai chi tiết kịch bản. Tuy
nhiên H.L không viết mà đặt cho một sinh viên ở Hà Nội viết với giá
“bèo”. Vụ việc vỡ lở khi sinh viên này tìm gặp Q.T kể rõ mọi việc vì H.L
không cho đứng tên tác giả kịch bản.
Không có “cửa” gửi trực tiếp
Đa số tác giả trẻ đều cho
biết rất khó để tiếp cận “nhà đài” hay nhà sản xuất phim để trình bày ý
tưởng đề cương kịch bản hay thậm chí là kịch bản hoàn chỉnh. Nhà biên
kịch Ngô Hoàng Giang, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã phát biểu tại buổi hội thảo Chất lượng phim truyền hình - Thực trạng và giải pháp
do Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức hôm 7/6: “Chỉ một số ít tác giả trẻ có
cơ hội gửi kịch bản trực tiếp đến nhà sản xuất, số đông còn lại phải qua
trung gian. Trung gian là những người nắm được các nhà sản xuất có giờ
phim trên sóng truyền hình, biết tìm đến tác giả và làm cầu nối. Tác giả
nào may mắn thì chỉ qua một trung gian. Nếu không, phải chịu cảnh đi
cầu đôi ba nhịp, chịu nhiều rơi rớt, pha loãng nội dung, bị ép giá...
Chẳng hạn, kịch bản ban đầu 30 tập có tên A được đem bán. Người mua chế
biến thành kịch bản B, C, D rồi chào hàng khắp nơi. Rốt cuộc, khi đến
tay nhà sản xuất, chất liệu kịch bản ban đầu mang tên A bị biến thành
nhiều kịch bản khác mang tên B, C, D”.
Một số tác giả trẻ miệt mài
viết, được trả ít tiền nhưng không hề có tên bởi phải bán “lúa non” cho
“chủ vựa”, cho “cò”. Thị trường phim truyền hình hiện nay từng có giai
thoại “kịch bản trong kịch bản”. Theo hình thức này thì ai nghĩ ra cái
gì viết cái nấy. Sau đó có người thu gom tất cả thành kịch bản và đứng
tên tác giả. Nếu người thu gom có “nghề” thì sẽ cho ra một kịch bản đúng
nghĩa, bằng không sẽ hình thành một mớ tạp nham. Đó là chưa nói đến nạn
sao chép kịch bản, Việt hóa phim truyền hình bằng kịch bản nước ngoài
có hoặc không mua bản quyền như Ngôi nhà hạnh phúc, Anh em nhà bác sĩ, Gió nghịch mùa, Sắc đẹp và danh vọng, Người đàn bà thứ hai... nhưng chất lượng lại thua xa bản gốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét