Trong
khi hầu hết các hãng phim tư nhân say sưa với những bộ phim về giới trẻ
thành thị hay những chuyện tình tay ba, tay tư thì có một hãng phim
chọn đề tài xã hội để “mở hàng” vệt phim truyện dài tập. Đó là Hãng phim
Cửu Long (Cửu Long Film) với bộ phim Khát vọng đồng quê (KVĐQ,
20 tập x 45 phút, kịch bản Minh Viên, đạo diễn Phan Hoàng, HCB LH
Truyền hình toàn quốc 2009), phát sóng trên kênh Today TV vào 21 giờ thứ
Hai và Ba hàng tuần, bắt đầu từ tối qua, 13/4. Nhân dịp này, TT&VH
trò chuyện với đạo diễn Phan Hoàng - Giám đốc Cửu Long Film.
*
Đương đầu với đề tài xã hội vừa vất vả, tốn kém, khó thu hút quảng cáo
lại dễ đụng chạm nên thường thì hãng phim nhà nước mới mặn mà. Cửu Long
Film hướng vào đề tài nông thôn chắc có lý do riêng?
-
Đề tài đời sống thành thị được các hãng phim khác khai thác quá nhiều,
trong khi một bộ phận lớn trong dân cư là nông dân. Vì thế, Cửu Long xác
định rõ, khai thác đề tài về nông dân, nông nghiệp, nông thôn miền Nam
là thế mạnh của hãng. Cửu Long tự thấy có trọng trách giới thiệu bức
tranh đời sống nông thôn miền Nam, qua đó góp phần nhắc nhở mọi người
đừng quên cội nguồn và những giá trị truyền thống tốt đẹp... Chúng ta
đang sống chủ yếu nhờ hạt lúa và những nông sản của đồng bằng sông Cửu
Long. Làm phim về những người chân đất là gửi lòng tri ân đến cội nguồn
quê hương, dân tộc.
Đạo diễn Phan Hoàng
*
Nhắc tới đề tài nông thôn là người xem hay nhớ tới nông thôn miền Bắc.
Ngoài Bắc, những bộ phim về nông thôn Bắc bộ dường như trở thành “đặc
sản” của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài THVN. KVĐQ còn nhấn
mạnh đến những đặc trưng nào của đất và người nông dân Nam bộ?
-
Nói đến nông thôn Nam bộ là nói đến khát vọng từ ngàn đời nay: khát
vọng sống khi đi tìm vùng đất mới, chinh phục thiên nhiên để đổi đời của
ông cha. Còn bây giờ là khát vọng tri thức - khát vọng bức thiết nhất
của các vùng quê... Người nông dân trong KVĐQ là nông dân của thời hội
nhập. Họ có đủ thông tin để nhận biết rằng: muốn có chất sống cho vùng
đất mới thì rất cần đến tri thức. Tri thức là là điều quan trọng. Một
lão nông trong phim đã nói: “Quê mình không thiếu cái ăn mà thiếu cái
chữ. Có chữ nghĩa đầy đủ con mới giúp được cho nhiều người”.
*
Phim về đề tài xã hội thường chuyển tải những thông điệp nóng hổi được
nhiều người quan tâm. Cửu Long Film muốn gửi gắm điều gì qua bộ phim
này?
-
Tôi mong người xem đừng ảo tưởng vùng đất Nam bộ giàu có nữa. Hãy thừa
nhận thực trạng nghèo khó của nông dân Nam bộ hiện nay. Sự nghèo kém hết
sức nghịch lý và cũng hết sức hợp lý. ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả
nước, nguồn thủy sản lớn nhất khu vực, rừng ngập nước nguyên sinh quý
hiếm của thế giới... nhưng vẫn còn nghèo: Thu nhập bình quân hiện nay
của nông dân quê tôi (Cà Mau) chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng, nhiều trẻ em
mù chữ... Cái nghèo tồn tại hết sức nghịch lý như vậy. Còn cái nghèo
dai dẳng... rất hợp lý, vì từ lâu, chúng ta bỏ quên vai trò tri thức
trong việc khai thác và sử dụng những nguồn lực tự nhiên. Tầm tri thức
quá thấp nên chưa đủ sức khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên đồ sộ
của vùng quê Nam bộ. Chính vì vậy, trong phim KVĐQ luôn nhắc đến con chữ
cho vùng đất này. Đó cũng là điều tôi muốn gửi gắm chân thành nhất.
* Xin cảm ơn anh và chúc Cửu Long Film thành công!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét