Lặng lẽ và bền bỉ, với các chương trình Thời sự nông nghiệp, Nông sản Việt, Ra khơi đã thực hiện trên sóng truyền hình TP.HCM - HTV9. Đã trãi qua biết bao nhiêu công khó của êkip thực hiện và cũng là khoảng thời gian đầy chia sẻ của những người làm chương trình với bà con nông dân.
Ghi hình một chuyên mục Hương đồng gió nội của chương trình Ra khơi - Ảnh: Cửu Long Films cung cấp |
Những chương trình truyền hình về nông dân, cho nông dân của Đài truyền hình TP.HCM phối hợp với Hãng phim Cửu Long tổ chức thực hiện đã để lại dấu ấn của mình với khán giả không bằng sự hào nhoáng của những ngôi sao mà bằng những điều mộc mạc, chân thật. Trong suốt hai năm phát sóng, 500 lá thư mỗi ngày của những người nông dân gửi đến hai chương trình đã gián tiếp hoặc trực tiếp làm thay đổi số phận của không ít người dân. |
Thành phần đông nhất của dân số VN vẫn là nông dân nhưng dường như họ luôn đứng bên lề của cuộc sống hiện đại. Chương trình truyền hình cũng hiếm đề cập đến họ. Làm sao để có một chương trình hữu ích cho nông dân và thật sự chạm được vào đời sống của họ chứ không phải là những game show "đi qua" như cơn bão, mang đến những niềm vui cho một vài thành viên của làng xã rồi thôi.
Và 102 chương trình Nông thôn ngày nay (tên cũ là Tam nông) lúc 20g50 thứ ba hằng tuần trên sóng HTV9, Đài truyền hình TP.HCM đã chia sẻ với nông dân nhiều hơn phạm vi ảnh hưởng của một chương trình truyền hình. Nếu như ban đầu, vì lý do kinh phí, chương trình chọn điểm đến đầu tiên là các xã nghèo thuộc quận 9, huyện Bình Chánh, Củ Chi... (TP.HCM) để chia sẻ với bà con nông dân, thì đến nay chương trình đã đến với bà con các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước và xa hơn về miền Tây Nam bộ: Cà Mau, Sóc Trăng...
Ngôn ngữ của phóng sự truyền hình với những lát cắt hiện thực - đôi khi nhói lòng người xem - đã ít nhiều tác động đến cơ quan địa phương và cuộc sống của người dân nơi đó phần nào được cải thiện.
Biên tập viên trẻ Minh Kha - người phụ trách mục phóng sự về những bức xúc ở nông thôn trong chương trình - chia sẻ: "Không đơn giản chút nào khi thực hiện những phóng sự về khó khăn, bức xúc của bà con. Không trồng trọt, sản xuất được vì nước bị ô nhiễm, đất nông nghiệp bị đưa vào dự án "treo",
điện nước, cầu - đường - trường trạm có những vấn đề rắc rối mà bà con
chẳng biết kêu ai... Nhưng tất cả vất vả của mọi người đều vơi đi sau
mỗi tín hiệu phản hồi tích cực. Điều hạnh phúc nhất với chúng tôi là khi
chương trình phát sóng xong, vài tháng sau quay trở lại, nhiều tiêu cực đã được khắc phục. Và bà con có cuộc sống mới: bãi rác được dọn, có điện, có nước sạch...".
Xót xa và cảm phục
Nếu Nông thôn ngày nay tác động đến đời sống của nông dân bằng các phóng sự thì Ra khơi (22g30, phát sóng thứ hai hằng tuần trên HTV9) có cách tiếp cận khác, trực tiếp hơn và cụ thể hơn đến những mảnh đời nông dân bất hạnh, nghèo khó. 140 chương trình được phát sóng cũng là lúc 140 số phận bất hạnh được sẻ chia bằng những đồng tiền chắt chiu của khán giả truyền hình cả nước.
Bắt đầu phát sóng từ năm 2007 đến nay, những chuyên mục Hương đồng gió nội, Chuyện làng quê trong Ra khơi đã bén duyên cùng khán giả truyền hình, để rồi từ đó những tấm lòng với nông dân được tiếp sức bằng chính người nông dân và đồng bào khác. Những gia đình nông dân ở TP.HCM và các tỉnh, thành Bến Tre, Long An, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Nai... đã nhận số tiền cần thiết để vượt qua bệnh tật hoặc khắc phục khó khăn tạm thời. Đến nay, Quỹ từ thiện Regina tài trợ cho chuyên mục Hương đồng gió nội đã trao 350 triệu đồng đến các hộ gia đình nông dân nghèo. Dù chỉ là khoản tiền nhỏ trong lúc túng ngặt nhưng cũng là cái chìa tay đúng lúc và đáng quý.
Biên tập viên Minh Ngọc - người trực tiếp đến từng hộ nông dân
nghèo - cho biết: "Có những con người mà tôi gặp gây cho tôi những xúc
cảm trái ngược. Vừa xót xa trước cảnh nghèo khó lại vừa trân trọng và
cảm phục họ. Xót xa vì cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám bà con nông dân. Cảm phục vì chính trong khó khăn ấy, nhiều người vẫn biết tự vươn lên để chống chọi, đấu tranh với bệnh tật. Đi cùng đoàn Hương đồng gió nội càng thấy trên đất nước mình vẫn còn nhiều người nghèo, nhiều số phận cần sự sẻ chia của cộng đồng".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét